Thai ngoài tử cung và những nguy hiểm không nên xem nhẹ

BS. Chung Thị Ngọc Liên - Khoa Cấp cứu Sản-Phòng Sanh, BVQT Phương Châu

Thai ngoài tử cung là một tai biến sản khoa, trong đó phôi bám bên ngoài tử cung. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở thai phụ trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các triệu chứng chính gồm đau bụng và chảy máu âm đạo bất thường trong thai kỳ, tuy nhiên thực tế lâm sàng cho thấy nhiều trường hợp có các triệu chứng không điển hình.

Người bệnh thường đến khám muộn với các biến chứng nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, phụ nữ có ý định mang thai hay có các dấu hiệu có thai, cần được đến cơ sở chuyên khoa để khám, theo dõi và tư vấn nhằm phát hiện sớm các bất thường của thai kỳ. Lần đầu khám kiểm tra sau khi có dấu hiệu mang thai quan trọng vì giúp kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời nếu thai ngoài, đặc biệt quan trọng vì giúp bảo vệ sự an toàn tính mạng và đảm bảo khả năng mang thai về sau cho người phụ nữ.

1. THAI NGOÀI TỬ CUNG LÀ GÌ?

Thai ngoài tử cung là trường hợp khi trứng đã thụ tinh phát triển, làm tổ bên ngoài tử cung thay vì làm tổ trong buồng tử cung.

2. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ THAI NGOÀI TỬ CUNG?

- Tiền sử thai ngoài tử cung (tỷ lệ tăng gấp 10 lần)

- Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng

- Tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng.

- Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)

- Bệnh viêm vùng chậu

- Lạc nội mạc tử cung

- Hút thuốc lá

- Tuổi trên 35 tuổi

- Tiền sử vô sinh

- Sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống
nghiệm (IVF)

- Khoảng 50% phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ đã biết. Phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục cần cảnh giác với những thay đổi của cơ thể, đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng thai ngoài tử cung.

3. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA THAI NGOÀI TỬ CUNG LÀ GÌ?

Lúc đầu thai ngoài tử cung có các triệu chứng giống mang thai điển hình: trễ kinh, căng ngực hoặc đau bụng, nên người bệnh thường hay chủ quan khi test que thử thai dương tính.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác với mang thai bình thường như:

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Đau thắt lưng

- Đau nhẹ ở bụng hoặc vùng chậu

- Chuột rút nhẹ ở một bên vùng chậu

Khi thai ngoài tử cung phát triển, khả năng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là trong trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, có thể đe dọa đến tính mạng. 

Các dấu hiệu nhận biết như:

- Đau đột ngột, dữ dội ở bụng hoặc vùng chậu

- Đau vai

- Toát mồ hôi, chóng mặt hoặc ngất xỉu

4. CÓ BAO NHIỀU PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN MANG THAI NGOÀI TỬ CUNG?

Những trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng, bao gồm:

Thử thai: Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện xét nghiệm máu để định lượng nồng độ hormone HCG (βhCG) trong cơ thể. HCG là hormone chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai, do đó xét nghiệm này sẽ cho biết thai phụ có mang thai hay không. Tuy nhiên, chỉ với xét nghiệm này thì chưa thể cung cấp thông tin thai nằm trong hay ngoài tử cung.

Các xét nghiệm máu khác: Ngoài xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ HCG, thai phụ có thể được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác nhằm kiểm tra tình trạng thiếu máu, cũng như kiểm tra nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu.

Siêu âm: Đối với trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí của thai nhi. Kết quả siêu âm của thai phụ sẽ cho thấy trong buồng tử cung có hoặc không có túi thai, hoặc thấy được hình ảnh túi thai nằm ngoài tử cung. Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu trong trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ.

Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán thai nằm ngoài tử cung một cách nhanh chóng và chính xác.

5. CÓ BAO NHIÊU PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THAI NGOÀI TỬ CUNG?

Các phương pháp chính được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung:

1) Điều trị bằng thuốc

2) Phẫu thuật: gồm nội soi ổ bụng hoặc mổ hở

Ngoài ra, trong một số trường hợp không cần điều trị mà chỉ theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung.

6. ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA TỪNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

* Điều trị bằng thuốc:

Ưu điểm:

- Thời gian phục hồi nhanh

- Bảo tồn được các cơ quan thai bám

Nhược điểm:

- Một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán nản, loét miệng, rụng tóc, tiêu chảy, gặp vấn đề ở thị lực…

- Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác gồm suy tụy, suy gan, suy thận

- Điều trị không thành công phải chuyển sang phẫu thuật

- Không điều trị nội đối với: thai ngoài tử cung vỡ, kích thước khối thai to...

* Phẫu thuật: nội soi ổ bụng hoặc mổ hở

Ưu điểm:

- Giải quyết khối thai bệnh lý

- Mổ nội soi thời gian hồi phục nhanh so với mổ mở bụng

- Hạn chế tối đa dùng kháng sinh do dùng kháng sinh dự phòng

Nhược điểm:

- Đau vết mổ

- Mệt mỏi do trải qua cuộc phẫu thuật lớn

- Mất máu nhiều

- Nguy cơ nhiễm trùng vết mổ

7. CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH THAI NGOÀI TỬ CUNG KHÔNG?

Phụ nữ có thể chủ động phòng tránh bằng việc xây dựng đời sống lành mạnh, duy trì sức khỏe sinh sản tốt. Một số biện pháp hiệu quả gồm:

- Quan hệ tình dục an toàn, hạn chế số lượng bạn tình: Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, giảm nguy cơ viêm vùng chậu và mang thai ngoài tử cung.

- Không hút thuốc lá: Phụ nữ cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá nếu có, cũng như hạn chế việc hút thuốc lá thụ động để giảm thiểu các nguy cơ thai ngoài tử cung.

- Khám phụ khoa định kỳ, tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục: Việc phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường hoặc các bệnh lý phụ khoa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

- Không lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp: Các chuyên gia sản khoa cảnh báo phụ nữ sử dụng thường xuyên và lam dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

Do vậy, thăm khám tiền sản và kiểm tra đánh giá khi nghi ngờ thai có vai trò rất quan trọng nhằm phát hiện sớm thai ngoài tử cung và can thiệp điều trị kịp thời, giảm thiểu hậu quả nặng nề cho thai phụ.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Tổng đài: 1900 54 54 66

Wildcard SSL